Những chiến lệ tại Ukraine đã chứng minh một nguyên tắc: Bất kỳ thời điểm nào lực lượng vũ trang Ukraine gặp bế tắc hay bất lợi trên chiến trường, thì vùng biên giới nước Nga như Belgorod và Kursk chắc chắn sẽ nóng lên.
Điều này đã được chứng minh khi Bakhmut thất thủ hay cuộc phản công mùa hè 2023 thất bại, Ukraine tung các nhóm phá hoại vượt biên, tấn công các làng mạc, thành phố giáp biên giới, cũng như tung UAV tự sát tấn công sâu vào trong lãnh thổ Nga.
Mục đích chính của các hoạt động tấn công nói trên cũng rất dễ hiểu, hay như chính lời giải thích của người đứng đầu Cục Tình báo quốc phòng Ukraine – trung tướng Kirill Budanov – là muốn đưa chiến sự ngược vào lãnh thổ đối phương hay cho người Nga hiểu thế nào là xung đột. Tuy nhiên, các hành động này cũng có một lý do khác là lái dư luận ra khỏi những thất bại mà Kiev phải nhận trên chiến trường.
Các đợt tấn công phá hoại quy mô lớn do các nhóm vũ trang thân Ukraine tiến hành, có sự tham gia của hàng nghìn tay súng, gồm cả lính đánh thuê với sự yểm trợ của hỏa lực pháo binh, xe tăng nhằm vào lãnh thổ Nga trước và trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga.
Kiev có lẽ muốn đưa sự bất ổn vào nước Nga khi cuộc bầu cử diễn ra với mục đích hạ uy tín của đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng như phục vụ truyền thông phương Tây vốn đã đói thông tin chiến thắng của Ukraine nhiều tháng qua.
Tuy nhiên, có vẻ như Kiev đã đánh giá thấp hoặc cố tình không hiểu tính cách dân tộc của Nga. Càng khó khăn, càng trong chiến tranh thì người Nga lại càng đoàn kết và tin tưởng vào cuộc chiến mà Tổng thống Vladimir Putin đã phát động. Điều này đã được minh chứng qua lời của một cư dân vùng Belgorod: “Chúng tôi không hề sợ hãi. Ngày mai tôi sẽ tắm rửa sạch sẽ, trước khi đi bỏ phiếu cho Tổng thống Vladimir Putin”.
Hãng thông tấn TASS của Nga hôm 17/3 đưa tin, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử trung ương Nga Ella Pamfilova đã lên tiếng cảm ơn các nước phương Tây vì tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao trong cuộc bầu cử tổng thống. Ông Putin đã tái đắc cử với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối.
Theo lời bà Pamfilova, chính phương Tây đã giúp thống nhất được người Nga khi nhấn mạnh: “Chúng tôi hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc được ở bên nhau lúc này. Bạn biết đấy, càng có nhiều áp lực thì chúng tôi càng đoàn kết nhiều hơn”.
Có vẻ như Kiev và đồng minh đã đi sai nước và dẫn tới những hệ quả khôn lường.
Không phải ngẫu nhiên rất nhiều lãnh đạo nước Nga, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không dưới 1 lần đề cập tới khả năng thiết lập một vùng đệm an ninh trên đất Ukraine với khoảng cách tương ứng với các loại vũ khí Mỹ và phương Tây viện trợ cho Ukraine để đảm bảo an toàn cho lãnh thổ và người dân Nga.
Trong năm 2023, Tổng thống Nga lần đầu tiên công bố ý tưởng thành lập một vùng đệm tại Ukraine. Ông chủ Điện Kremlin lưu ý rằng, vấn đề này sẽ được xem xét tùy theo tình hình.
Vấn đề này lại được ông chủ Điện Kremlin đưa ra một lần nữa trong cuộc họp các lãnh đạo cấp cao Nga cuối tháng 1: “Ranh giới vùng phi quân sự hóa cần nằm đủ xa để bảo đảm an ninh cho lãnh thổ Nga, nhất là đối với các loại vũ khí do nước ngoài sản xuất thường được đối phương sử dụng để tấn công những thành phố yên bình của chúng ta”.
Ông Putin nhấn mạnh quân đội Nga sẽ mở rộng vùng đệm an toàn, đẩy lực lượng Ukraine khỏi những khu vực do Kiev kiểm soát và ngăn đối phương tấn công các đô thị trọng yếu của Nga: “Đây chính xác là những gì quân đội Nga đang làm, cũng là động lực chính cho những binh sĩ ngoài tiền tuyến. Chúng ta sẽ đẩy lùi đối phương”.
Và mới đây nhất là vào ngày 14/3, viện dẫn “các sự kiện bi thảm” đang diễn ra ở các khu vực biên giới, Tổng thống Putin cho biết Nga có thể “vào một lúc nào đó” sẽ thiết lập vùng đệm với các khu vực do Kiev kiểm soát.
Ông nói thêm rằng các lực lượng Nga “nếu và khi thấy cần thiết” sẽ thiết lập một “khu vực an ninh mà đối thủ khó có thể vượt qua bằng số vũ khí chủ yếu có nguồn gốc từ nước ngoài”.
Chuyên gia quân sự Vasily Dandykin đã nhận định ý đồ của Tổng thống Nga Putin nhằm để ngăn chặn các hành động tấn công và pháo kích vào lãnh thổ Nga.
Theo ông Dandykin, các khu vực vùng đệm an toàn nên chạy dọc theo toàn bộ biên giới giữa Nga và Ukraine.
“Đây là các vùng Chernigov và Sumy, giáp với các vùng của Nga như Belgorod, Kursk, Bryansk. Biên giới rộng lớn, hàng trăm km, với điều kiện địa hình khá phức tạp. Đối phương đang sơ tán dân chúng từ nhiều làng mạc, thị trấn vào sâu trong lãnh thổ Ukraine. Việc tạo vùng đệm an toàn rộng từ vài chục tới vài trăm km để hạn chế việc đối phương sử dụng vũ khí tấn công tầm xa tương tự như HIMARS để đảm bảo an ninh cho các khu dân cư dọc biên giới”, chuyên gia Dandykin nói.
“Đây sẽ là một vùng xám, không có đối phương và hỏa lực của họ ở đó”, ông Dandykin nhấn mạnh, vùng đệm sẽ giúp giữ khoảng cách với phía Ukraine và loại bỏ nguy cơ bị những kẻ phá hoại đột kích và tấn công bằng hỏa lực.
Trong lịch sử nước Nga sa hoàng, khi phát hiện ra đối thủ có định tấn công, Moscow sẽ chủ động ra tay trước.
Chính Tổng thống Putin cũng từng nói: “Đường phố Leningrad đã dạy cho tôi một điều rằng, nếu một cuộc đánh lộn không thể tránh khỏi, thì tốt nhất hãy là người ra đòn trước”.
Đây có thể chính là thời điểm chín muồi để Nga mở một chiến dịch tấn công quy mô lớn nhằm vào lãnh thổ Ukraine như Mỹ và phương Tây đã từng dự đoán có thể nổ ra trong năm 2024.
Thực tế là Moscow đang hội đủ cả thế và lực cho hoạt động quân sự quan trọng này.
Xét về thế, những hành động tấn công của các nhóm phá hoại từ Ukraine nhằm vào lãnh thổ Nga có thể “tạo cớ” để Moscow động binh.
Không những vậy, trong bối cảnh nguồn viện trợ quân sự và kinh tế từ Mỹ và phương Tây dành cho Ukraine đang suy giảm nghiêm trọng khiến quốc lực của Kiev suy kiệt, khó có thể cầm cự trong một cuộc chiến quy mô.
Xét về lực, trong hơn một năm qua, kể cả khi Ukraine tổ chức phản công quy mô lớn, Quân đội Nga đã âm thầm rèn binh và đang có trong tay hàng trăm nghìn quân để tung đòn quyết định. Trên thực tế, hoạt động tích cực trên toàn chiến trường thời gian qua mới chỉ giới hạn ở cấp mặt trận. Đó chưa thể là hành động quyết định của Nga. Có khả năng đòn tiếp theo chính là Kharkov hoặc khu vực giáp Ukraine.
Nếu phát động tấn công, Quân đội Nga sẽ có nhiều lợi thế nhờ hệ thống giao thông và hậu cần sẵn có tại khu vực biên giới.
Về mặt chiến thuật, việc Nga động binh sẽ khiến Ukraine phải luân chuyển lực lượng chống đỡ. Điều này khiến chiến trường miền Đông có thể bộc lộ sơ hở để cho những đòn phản công quan trọng khác. Giống như trong trận đấu boxing, khi đối thủ đã xuống sức, thì chính là cơ hội cho một cú móc quyết định knock-out.
Giới lãnh đạo chính trị và quân sự Ukraine thừa hiểu sớm hay muộn Nga cũng sẽ thiết lập vùng đệm nên kể từ cuối năm ngoài họ đã ráo riết chỉ đạo huy động mọi nguồn lực để xây dựng hệ thống hàng rào “răng rồng”, chuyển hẳn sang chiến lược phòng thủ toàn diện.
Thực vậy, kể từ tháng 11/2023, sau khi đi thị sát chiến trường, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã chính thức ra mệnh lệnh đặc biệt: Ưu tiên cao nhất, cấp tốc xây dựng hệ thống phòng thủ vững chắc.
Bằng nhiều nguồn lực khác nhau, đến nay, Ukraine đã xây dựng được 2.000km chiến hào trải dài từ miền bắc, vòng qua miền đông kéo xuống miền nam. Qua hình ảnh do chính Kiev công bố, có thể thấy phòng tuyến hình thành rõ nét với những hàng “răng rồng” phủ đầy dây thép gai cùng với đó là hào chống tăng, công sự và hỏa điểm cho bộ binh, xe tăng,… kết hợp với những “sát thủ giấu mặt” là các bãi mìn rộng lớn ở phía trước, tạo thành trận đồ liên hoàn rất khó để vượt qua.
Ngày 27/3, đích thân Tổng thống Zelensky đã tới thăm tỉnh Sumy động viên các đơn vị quân đội Ukraine và thị sát hệ thống công trình phòng thủ. “Tôi đã kiểm tra các chiến hào, hầm đào, các trạm bắn, chỉ huy và quan sát. Chúng tôi đang tăng cường khả năng phòng thủ của mình”, ông nói.
Nếu được Mỹ và phương Tây viện trợ đầy đủ vũ khí, đạn dược, lực lượng Kiev hoàn toàn có thể kìm chân Nga trên mọi hướng. Để đột phá chắc chắn lực lượng Moscow sẽ phải tính toán chiến thuật tối ưu cùng với binh lực vượt trội. Một khi bên phòng thủ chủ động giữ chặt vị trí thì bên tấn công sẽ rất vất vả và cái giá phải trả là vô cùng lớn.
Bài học nhãn tiền ở Zaporizhia trong cuộc phản công quy mô lớn của Ukraine năm 2023 vẫn còn nóng hổi. Các lữ đoàn “nắm đấm thép” của Ukraine do NATO huấn luyện và trang bị hầu như không thể xuyên thủng “trận đồ Surovikin” của Nga để rồi cuối cùng phải bỏ cuộc, chấp nhận tổn thất nặng nề.
Ngoài ra, việc một số thành viên NATO, trong đó có Pháp đang úp mở khả năng đưa quân vào hỗ trợ Ukraine hoặc thậm chí trực tiếp tham chiến với Nga có thể sẽ khiến Moscow phải suy nghĩ lại, hoặc đẩy nhanh việc thiết lập vùng đệm trước khi Kiev được tiếp sức, hoặc chờ thời cơ khác.